Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) được quốc hội thông qua có gì mới?
Ngày 22/6/2023, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) với kết quả biểu quyết 468/477 (94,74%)
1. Luật giao dịch điện tử (sửa đổi)
Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ 5 về việc thông qua luật giao dịch điện tử
Luật giao dịch điện tử sửa đổi gồm 7 chương, 54 điều với một số điểm mới so với luật hiện hành có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024. Trong đó, bộ Luật chỉ quy định về việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử chứ không có quy định về nội dung, hình thức, điều kiện thực hiện giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau. Giao dịch thuộc lĩnh vực nào sẽ điều chỉnh riêng bằng Pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.
Một số nội dung nổi bật của luật giao dịch điện tử (sửa đổi):
Về trách nhiệm quản lý nhà nước trong giao dịch điện tử:
- Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực, địa bàn, quyền hạn được phân công.
- Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số quy chuẩn theo quy định của Pháp luật.
Về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu:
- Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) chỉ quy định về hình thức thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, điều kiện và phương thức của giao dịch.
- Các quy định về công chứng, chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự, lưu trữ điện tử các tại Điều 9, 13 và 19 của dự thảo Luật chỉ dẫn chiếu mà không quy định cụ thể để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hệ thống pháp luật.
- Chữ ký điện tử được sử dụng để xác nhận chủ thể ký và xác nhận sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông tin trong thông điệp dữ liệu được ký phải được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử, gắn liền với thông điệp dữ liệu thì mới coi là chữ ký điện tử.
- Các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử như chữ ký scan, chữ ký hình ảnh, mật khẩu sử dụng một lần (OTP), tin nhắn (SMS),… đều không phải là chữ ký điện tử.
Các Đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp quốc hội
Về việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại
- Điều 15 của Luật dự thảo đã được chỉnh lý nội dung yêu cầu chuyển đổi cần đáp ứng và giao Chính phủ quy định chi tiết, phù hợp với thực tiễn ngành ngân hàng, hải quan.
Về giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước
- Điều 43 đến Điều 47 của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định cụ thể về các loại hình giao dịch điện tử. Các hoạt động, trách nhiệm của cơ quan nhà nước cũng như các quy định hỗ trợ nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử.
- Phân loại rõ dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước, quy định các bộ, ngành sẽ công bố dữ liệu mở của ngành, lĩnh vực của mình.
Về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử
- Chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm giám sát hệ thống của mình; cơ quan nhà nước quản lý công tác báo cáo, tổng hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử bằng phương tiện điện tử.
2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử
Điều 6, chương I của luật giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định 8 hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử bao gồm:
1. Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.
3. Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu.
4. Xóa, hủy, giả mạo, sao chép, làm sai lệch, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu.
5. Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.
6. Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử.
7. Cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử.
8. Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.
Luật giao dịch điện tử sửa đổi được xây dựng được xây dựng theo hướng phù hợp với sự phát triển của nền công nghiệp 4.0 và kinh tế số, phù hợp với điều ước quốc tế liên quan đến thương mại tự do. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên tham gia vào hoạt động giao dịch điện tử.
EFY Việt Nam